Tại phiên thảo luận tại hội trường về thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014 – 2018, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đã nêu lên thực trạng, công tác PCCC cũng như đề xuất nhiều kiến nghị.
Theo đại biểu Phương, PCCC là một vấn đề hết sức hệ trọng đối với bất kỳ quốc gia nào. Cha ông ta từng cảnh báo 4 nguy cơ là Thủy - Hỏa - Đạo - Tặc. Nhận thức được vấn đề này, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy. Quốc hội đã ban hành Luật phòng cháy chữa cháy và ngày càng hoàn thiện.
Tuy nhiên từ thực tế xảy ra, có thể khẳng định rằng công tác PCCC dù tích cực cố gắng đến đâu cũng còn nhiều bất cập, khó khăn và khó làm tốt. Nhiều địa bàn trên cả nước, cháy, nổ liên tục diễn ra. Đặc biệt gần đây là vụ cháy lớn tại Công ty Cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông Hà Nội... Có thể nói, cháy luôn là thảm họa, cháy lớn vẫn còn tiềm ẩn, đe dọa và gây lo lắng, bất an trong nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận.
Theo đại biểu Phương, nguyên nhân cơ bản của sự cố cháy nổ gồm 3 yếu tố chính. Đối với giải pháp, đại biểu nêu lên 2 vấn đề lớn gồm: Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền; Chính phủ cần rà soát điều chỉnh một số sự việc có nguy cơ gây cháy nổ và gây ảnh hưởng đến môi trường đặc biệt là đời sống sức khỏe người dân.
Trong đó, đại biểu kiến nghị việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng các khu chung cư, khách sạn cao tầng có khu dừng đỗ xe riêng, không cho đỗ đậu đưới tầng ngầm. Vì mỗi xe như một bình xăng, cả tầng như một kho xăng. Khi gây cháy thì khó để chữa, không những gây chết người mà còn gây xuống cấp nghiêm trọng khu chung cư sau khi vụ cháy xảy ra.
Kiên quyết xem xét và có kế hoạch di dời các nhà máy, xí nghiệp, các cây xăng, các cơ sở sản xuất có nguy cơ thiếu an toàn về cháy, nổ ra khỏi khu đông dân cư.
Theo đại biểu, không cho đỗ đậu xe dưới tầng ngầm, vì mỗi xe như một bình xăng, cả tầng như một kho xăng. Ảnh: TL.
Chính phủ cần có Nghị định quy định mỗi tỉnh, thành phố, tại mỗi thôn xóm, khu dân cư đều có tổ PCCC để thường xuyên truyền thông, tư vấn, chuẩn bị phương tiện PCCC, kiểm tra, xử lý sự cố xảy ra. Xử lý tại chỗ là nhanh, nhạy và hiệu quả nhất. Hiện nay, nhiều địa bàn xe PCCC không thể vào chữa cháy hay dù nhanh chóng đến đâu cũng không dập tắt ngay được và vụ cháy lan tỏa rộng.
Rà soát các quy định về chế độ, chính sách, kinh phí mua sắm phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Bố trí đảm bảo chỉ tiêu, biên chế, không ngừng xây dựng và củng cố lực lượng phòng cháy, chữa cháy tinh nhuệ, chính quy và từng bước hiện đại, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác PCCC trong giai đoạn hiện nay.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân các doanh nghiệp vi phạm các quy định chính sách, pháp luật về PCCC; sử dụng nguồn thu từ xử phạt vi phạm về PCCC và nguồn thu qua đấu tranh phòng, chống tham nhũng để bổ sung đầu tư kinh phí cho công tác PCCC; có biện pháp huy động tối đa sự đóng góp, ủng hộ của nhân dân, nhất là các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả để mua sắm các phương tiện, thiết bị chữa cháy hiện đại; đồng thời không ngừng quan tâm đẩy mạnh công tác xã hội hóa về PCCC.