Xử lý an toàn phòng chống chập cháy thiết bị điện sau ngập nước

Mưa bão không chỉ mang đến những thiệt hại về tài sản và môi trường sống mà còn tiềm ẩn nguy cơ lớn về an toàn điện. Hệ thống điện và các thiết bị điện trong nhà khi bị ngập nước rất dễ gặp sự cố gây chập cháy, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của gia đình. 

Để ngăn chặn những rủi ro này, việc nắm rõ các biện pháp xử lý an toàn sau ngập nước là điều vô cùng cần thiết. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số những hướng dẫn về cách kiểm tra và xử lý thiết bị điện sau khi ngập lụt, giúp bảo vệ gia đình bạn khỏi những nguy hiểm do chập cháy điện gây ra.

Đảm bảo an toàn phòng chống cháy chập điện trước ngập lụt 

Để hạn chế thấp nhất những rủi ro, đảm bảo an toàn phòng cháy và tránh chập điện trước nguy cơ ngập lụt, trước tiên bạn cần thực hiện tốt công tác chuẩn bị thông qua một số biện pháp sau:

  • Lắp đặt hệ thống điện cao hơn mức ngập lụt: Đặt ổ cắm, công tắc và dây điện trên tường ở vị trí cao hơn mực nước ngập dự kiến, nên tối thiểu ở mức 1,5m so với mặt sàn.
  • Sử dụng thiết bị chống nước: Lắp đặt các thiết bị điện có khả năng chống nước như ổ cắm chống nước, công tắc kín, tủ điện kín nước để bảo vệ mạch điện và các thiết bị điện bên trong, tránh rò rỉ và chập điện khi 
  • Lắp đặt bộ ngắt mạch tự động (CB): Trang bị CB chống rò điện để tự động ngắt nguồn khi phát hiện rò rỉ hoặc chập điện, bảo vệ an toàn cho gia đình.
  • Kiểm tra hệ thống điện định kỳ: Kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống dây điện, ổ cắm và các thiết bị điện định kỳ, đặc biệt là trước mùa mưa bão để đảm bảo không có chỗ hư hỏng, rò rỉ điện.
  • Ngắt điện khi có nguy cơ ngập: Khi có cảnh báo mưa bão hoặc lũ lụt, cần chủ động ngắt cầu dao điện tổng trong nhà để tránh tình trạng chập điện do nước ngập.
  • Di dời thiết bị điện đến nơi an toàn: Chuyển các thiết bị điện như máy giặt, tủ lạnh, máy tính và các thiết bị điện tử khác đến nơi cao ráo, tránh bị ngập nước gây chập cháy.
  • Chuẩn bị thiết bị chiếu sáng khẩn cấp: Trang bị đèn pin, đèn sạc hoặc thiết bị chiếu sáng sử dụng pin để dùng khi mất điện, tránh sử dụng nến có thể gây cháy mất an toàn.
  • Báo ngay cho điện lực khi có sự cố: Nếu phát hiện nước tiếp xúc với hệ thống điện mà không thể ngắt điện, phải đứng ở nơi khô ráo và gọi ngay cho đơn vị quản lý điện lực để xử lý kịp thời.

 

Lắp đặt an toàn thiết bị điện sau khi ngập nước

Sau thời gian ngập lụt, hệ thống dây dẫn và thiết bị điện trong nhà có thể gặp nhiều sự cố nguy hiểm nếu đóng điện trở lại mà không kiểm tra kỹ. Để đảm bảo an toàn, bạn cần thực hiện các bước kiểm tra và xử lý đúng cách trước khi sử dụng điện sau khi ngập nước.

Đối với hệ thống điện trong nhà

Khi nước rút nhưng chưa có điện

  • Ngắt toàn bộ cầu dao và aptomat để đảm bảo không có dòng điện hoạt động, ngăn chặn các sự cố chập cháy có thể xảy ra trong quá trình kiểm tra và sửa chữa.
  • Rút phích cắm và ngắt nguồn điện của tất cả các thiết bị để tránh nguy cơ giật điện khi kiểm tra.
  • Kiểm tra kỹ các thiết bị điện trước khi sử dụng lại do môi trường ẩm ướt kéo dài, các thiết bị có thể bị chập mạch hoặc hư hỏng
  • Kiểm tra đường dây điện sau công tơ. Đảm bảo không có đoạn dây nào bị hở, đứt hoặc chạm vào các vật dụng khác để ngăn chặn chập cháy và rò điện nguy hiểm.

Khi có điện trở lại

  • Không cắm điện ngay lập tức khi vừa có điện trở lại. Nước ngập có thể đã gây hỏng hóc cho các thiết bị, việc cắm điện quá sớm có thể dẫn đến cháy nổ.
  • Không bật cùng lúc tất cả thiết bị điện, đặc biệt là thiết bị có công suất lớn để tránh quá tải hệ thống.
  • Kiểm tra độ ổn định của nguồn điện bằng cách bật các thiết bị có công suất thấp trước như đèn, quạt,… thứ tự ưu tiên bật sẽ từ các thiết bị có công suất thấp đến cao để đảm bảo tính ổn định của hệ thống điện.
  • Quan sát và lắng nghe để phát hiện dấu hiệu chạm, chập. Bất kỳ tiếng nổ nhỏ, mùi khét hoặc hiện tượng chập chờn nào cũng cần được theo dõi để báo ngay cho điện lực địa phương khi cần thiết.

Đối với các thiết bị điện gia dụng, sau mưa bão hoặc ngập lụt cần phải được kiểm tra kỹ lưỡng. Các bộ phận như dây dẫn bọc nhựa, bảng mạch, thiết bị ngắt điện, cầu chì, công tắc, ổ cắm ngoài trời,.. cần phải được kiểm tra và thay thế do chúng rất dễ bị hư hỏng do nước ngấm vào.

Ngoài ra, trước khi tiến hành cắm điện cho thiết bị, bạn cũng sử dụng cần làm sạch, làm khô và đo cách điện thiết bị để đảm bảo an toàn.

  • Vệ sinh sạch thiết bị: Bạn có thể tháo vỏ, dùng nước sạch rửa bùn đất bám vào, sau đó lau khô bằng khăn sạch để loại bỏ ẩm ướt và ngăn ngừa hỏng hóc.
  • Làm khô thiết bị: Sử dụng quạt để thổi gió mạnh vào thiết bị giúp khô nhanh hơn hoặc dùng máy sấy ở nhiệt độ thấp (50-60°C) để sấy khô hoàn toàn. Tuy nhiên cần lưu ý sấy trong thời gian ngắn rồi tạm ngừng để tránh làm hỏng linh kiện.
  • Đo cách điện trước khi sử dụng: Đo điện trở cách điện bằng đồng hồ vạn năng để đảm bảo độ an toàn. Nếu không đạt tiêu chuẩn cách điện (ít nhất 0,5MΩ) thì không nên đóng điện.

Nếu không có chuyên môn, bạn có thể liên hệ với thợ điện có kinh nghiệm tại địa phương để được kiểm tra và xử lý đúng cách.

Cần làm gì khi xảy ra hiện tượng chập cháy điện?

Khi tiếp hành cấp lại nguồn điện, nếu không may xảy ra hiện tượng chập cháy, cần thực hiện ngay các bước sau để đảm bảo an toàn và kiểm soát tình huống:

  • Lập tức cắt cầu dao tổng hoặc ngắt nguồn điện tại khu vực bị cháy để tránh chập điện lan rộng và giảm thiểu nguy cơ bị điện giật.
  • Báo động cho mọi người xung quanh biết về sự cố cháy và hướng dẫn họ nhanh chóng thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Ưu tiên sơ tán người già, trẻ em và những người có khả năng di chuyển hạn chế.
  • Nếu có người bị mắc kẹt trong đám cháy, cần ưu tiên cứu người ra khỏi khu vực nguy hiểm trước khi tiến hành dập lửa. Đảm bảo an toàn cho bản thân khi thực hiện việc cứu hộ.
  • Sử dụng bình chữa cháy, cát hoặc chăn chữa cháy để dập lửa nếu đám cháy còn nhỏ và trong tầm kiểm soát. Tránh dùng nước để dập lửa trong trường hợp có điện vì có thể gây nguy cơ điện giật.
  • Gọi ngay cho lực lượng cứu hỏa hoặc thông báo trên app báo cháy 114 nếu đám cháy vượt ngoài tầm kiểm soát hoặc có nguy cơ lan rộng để được hỗ trợ kịp thời.
  • Kiểm tra và đề phòng tái cháy: Sau khi đã dập tắt đám cháy, cần kiểm tra kỹ khu vực để đảm bảo không còn nguy cơ tái cháy, đặc biệt là các nguồn điện có thể đã bị ảnh hưởng.

Đảm bảo an toàn cho thiết bị điện khi sử dụng sau ngập lụt sẽ có tác động trực tiếp đến sự an toàn của gia đình, giúp giảm thiểu nguy cơ chập cháy và các tai nạn điện đáng tiếc. Do vậy, mọi người hãy nhớ tuân thủ các hướng dẫn an toàn, chủ động kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị và tham khảo lời khuyên từ những người thợ có kinh nghiệm khi cần thiết nhé! Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn.